TTO - Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn nhựa được thải ra đại dương/năm. Nhận định này được ông Albert T. Lieberg - trưởng đại diện Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Việt Nam - đưa ra trong hội thảo "Rác thải nhựa - Khu vực công - tư cùng giải quyết thách thức", do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức ngày 5-6.
Ông Albert T. Lieberg đánh giá trong khi nhựa sử dụng một lần rất phổ biến, năng lực quản lý chất thải ở Việt Nam còn rất hạn chế càng khiến gánh nặng gia tăng từ chất thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng ngày một lớn.
Theo đại diện FAO, ước tính có 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam/năm, trong khi lượng nhựa tiêu thụ ước tăng 16-18%/năm.
Tỉ lệ nghịch với tiêu thụ nhựa và xả thải rác nhựa tăng là chính sách quản lý chất thải, việc xây dựng cơ sở tái chế và các chính sách có liên quan lại không đáp ứng kịp cho nhu cầu nói trên. Các loại nhựa sử dụng một lần phổ biến nhất được tìm thấy trong môi trường là nắp - chai nhựa, giấy gói thực phẩm, túi, ống hút...
1,8 triệu tấn Là lượng nhựa được thải ra ở Việt Nam mỗi năm. Nguồn: FAO
Theo ông Nguyễn Thành Phương, phó cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Nam (Tổng cục Môi trường), để xử lý vấn đề rác thải nhựa một cách toàn diện đòi hỏi nỗ lực chung, cả từ Chính phủ, doanh nghiệp đến hộ gia đình.
Thực tế đang cho thấy năng lực quản lý và xử lý chất thải nhựa tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, công nghệ xử lý tái chế lạc hậu, việc thu gom, phân loại rác còn nhiều vấn đề. Dù đã xuất hiện một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm túi phân hủy từ tinh bột, hoặc túi, ống hút, găng tay, cốc giấy phân hủy sinh học... nhưng còn rất hiếm hoi.
Ông Tanachart Ralsiripong, giám đốc điều hành BASF Vietnam, cho rằng việc thiếu cơ sở hạ tầng cũng như cách thức quản lý, phân loại, xử lý rác thải nhựa lại là vấn đề chung của toàn xã hội và "đòi hỏi các giải pháp mang tính hệ thống khi xử lý, nếu không muốn trở nên quá muộn".